Nhiều người cho rằng mắc chứng hay quên là do suy giảm trí nhớ, chỉ cần giảm áp lực công việc thì trí nhớ sẽ phục hồi. Nhưng nếu không biết ăn uống những món đơn thuần này thì trí nhớ sẽ khó phục hồi.
Nhiều người trẻ mắc chứng quên
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo cuộc sống hiện đại là một trong những nguyên nhân dễ gây suy giảm trí nhớ. Toàn cầu có đến gần 60% dân số bị ảnh hưởng bởi các chứng bệnh về trí nhớ và con số này ngày càng tăng.
Người có tuổi và cao tuổi chức năng của đại não bị suy giảm dần dà mắc chứng quên (Đông y gọi là chứng "kiện vong", "hỉ vong", "thiện vong"...) do cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do tâm tỳ suy nhược, thận tinh hư yếu… gây nên. Hội chứng bệnh suy giảm trí nhớ phần lớn do nhịp sống quá căng thẳng, do hay dùng chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá), hay bị chấn thương sọ não, sống trong môi trường nhiều tiếng ồn, bị bệnh rối loạn chuyển hóa (tim, mạch, tiểu đường, huyết áp), đột quị…
Ngày nay có khoảng 20%-30% người trẻ ở độ tuổi lao động có biểu hiện lú lẫn, đãng trí và các vấn đề về trí nhớ, nam mắc nhiều hơn nữ, làm ảnh hưởng lớn tới công việc, chất lượng sống, thậm chí gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trí nhớ là quá trình hoạt động của não bộ để ghi nhận, lưu giữ và nhớ lại thông tin cần thiết - đòi hỏi sự tham gia nhiều vùng của não như thùy trán, thùy thái dương… Khi tế bào thần kinh các vùng não này bị tổn thương, lập tức trí nhớ có vấn đề. Với cấu trúc chứa hơn 60% thành phần là axít béo, não bộ là nơi bị "sát thủ" này tấn công nhiều nhất.
Theo các chuyên gia y tế, với người tuổi 25 trở lên mỗi ngày có tới 3.000 tế bào não bị hủy diệt. Đặc điểm của tế bào não là không có sự sinh sản thêm nên mất đi tế bào não là mất đi vĩnh viễn. Khi còn trẻ, hệ thống chống ôxy hóa trong cơ thể đủ sức kiểm soát. Nhưng sau tuổi 30, cơ thể bắt đầu yếu dần và gốc tự do sinh ra ngày càng nhiều dẫn đến sự hủy hoại tại các tế bào thần kinh càng mạnh.
Ở thể nhẹ, bệnh nhân có những biểu hiện đãng trí, hỏi trước quên sau... Nếu không biết phòng ngừa, cải thiện bệnh đúng cách, thì cùng với tuổi tác và các tác nhân sẽ làm trí nhớ ngày càng suy giảm, di chứng rất nặng nề (50% số người suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ sau 3 năm mắc phải).
Những món ăn cải thiện trí nhớ
Đông y cho tâm tì chủ huyết, thận chủ tinh tủy. Nếu lo lắng ưu tư quá độ có thể làm thương tổn tâm tì khiến cho âm huyết bị hao kiệt.
Hoặc phòng dục quá độ không điều hòa có thể làm tổn hại tinh tủy, tất cả đều đưa đến tình trạng não không được nuôi dưỡng đầy đủ và tạo nên chứng trạng hay quên.
Ngoài dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, tập luyện khí công dưỡng sinh... Đông y chú trọng dùng một số thực phẩm đơn thuần, hoặc phối hợp với các vị thuốc để tạo món ăn, đồ uống có lợi cho việc phục hồi trí nhớ, tùy vùng miền mà vận dụng cho phù hợp:
* Óc lợn: Theo sách cổ "Trư não bổ cốt tủy, ích hư lao, trị thần kinh suy nhược" - minh họa cho thuyết "dĩ tạng bổ tạng" (dùng tạng phủ bổ tạng phủ) của đông y dùng cho người mắc chứng hay quên do suy nhược thần kinh.
Nên lấy 1 bộ óc lợn, hoài sơn 30g và kỷ tử, đem hấp chín rồi ăn.
* Trứng chim bồ câu: Công dụng bổ thận tinh, dùng rất tốt cho người suy giảm trí nhớ do thận hư (kèm chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi).
Trứng chim bồ câu 5 quả, long nhãn 15g, kỷ tử 15g, đường phèn 25g, trộn đều hấp chín, ăn mỗi ngày 1-2 lần.
* Trứng chim cút: Rất giàu lecithin - chất rất cần thiết cho hoạt động của não bộ. Dùng liên tục mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 quả dưới dạng đánh thành kem trứng.
* Quả dâu chín (tang thầm), sách Điền nam bản thảo viết: "Tang thầm ích thận tạng nhi cố tinh". Quả dâu chín có tác dụng bổ huyết, an thần và dưỡng não. Dùng dưới dạng trà, hoặc siro dâu.
* Long nhãn: Có công dụng ích tâm tì, bổ khí huyết và kiện não dùng rất tốt cho người mắc chứng hay quên do tâm tì hư nhược, khí huyết suy giảm. Sách Bản thảo cương mục cho rằng : long nhãn có thể "khai vị ích tì, bổ hư cường trí".
Dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu cách thủy thành dạng cao, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 10-15g hoặc long nhãn 15g, đại táo vài quả, gạo tẻ 100g nấu thành cháo ăn hàng ngày.
* Bá tử nhân: Có công dụng ích tì vị, dưỡng tâm khí, ích trí và an thần rất tốt cho người trí nhớ suy giảm do lao dục quá độ, tâm huyết hao tổn.
Dùng dưới dạng trà bá tử nhân.
* Hạt sen: Có công dụng ích tì vị, dưỡng tâm khí, ích trí lực, trừ bách bệnh.
Dùng dưới dạng cháo hạt sen, trà hạt sen. Dân gian hay lấy hạt sen đập vụn hãm với nước sôi uống, có thể cho thêm một vài quả đại táo/đường phèn.
* Nấm linh chi: Giúp dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, kiện não ích trí.
Mỗi ngày dùng 5g sắc uống thay trà hoặc tán thành bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1,5g với nước ấm.
* Hà thủ ô: Công dụng bổ thận dưỡng huyết, cường thận ích trí. Được dùng dưới dạng trà phiến hoặc trà bột hà thủ ô, mỗi ngày 15-20g.
* Đại táo: Rất giàu các sinh tố và nguyên tố vi lượng - được gọi là một loại thuốc "hoàn" vi sinh tố thiên nhiên. Có tác dụng bổ khí huyết, kiện tì vị, rất tốt cho người mắc chứng hay quên do khí huyết suy nhược.
Dùng dưới dạng sắc lấy nước uống thay trà.
* Nhân sâm: Có công dụng đại bổ nguyên khí, định tâm ích trí, nâng cao năng lực não bộ.
Dùng dưới dạng trà tan, hoặc trà phiến, mỗi ngày 3-5g.
* Mật ong: Tăng cường trí nhớ rất hiệu quả nhờ giàu đường, đạm và nhiều loại sinh tố và nguyên tố vi lượng rất tốt cho hệ thần kinh trung ương.
Mỗi ngày nên uống 2 lần, mỗi lần từ 1-2 thìa canh.
* Kỷ tử: Công dụng bổ thận, kiện não.
Lấy kỷ tử 30g, não dê 1 bộ, hấp cách thủy ăn hoặc kỷ tử 20g, đại táo 6 quả, trứng gà 2 quả (luộc chín, bóc bỏ vỏ) hấm kỹ rồi ăn trứng uống nước, dùng hàng ngày hoặc cách nhật..
* Đông trùng hạ thảo: Có công dụng kiện não ích trí, bổ hư rất tốt, đặc biệt với những người mắc chứng hay quên do phế thận âm hư.
Dùng 4-5 cái hầm với gà con (400-500g), ăn vài lần trong 1 tuần.
* Mỡ bìm bịp: Có công dụng bổ thận ích tinh, kiện não rất tốt. Dùng mỡ bìm bịp 15g chưng với tổ yến hoặc mộc nhĩ trắng ăn hàng ngày.
Ngăn ngừa suy giảm trí nhớ:
- Cần dẹp bỏ các áp lực; quên đi phiền toái lo âu;
- Tạo điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn;
- Thu xếp công việc ngăn nắp;
- Hạn chế hút thuốc lá, bia rượu;
- Phải thường xuyên hoạt động luyện trí nhớ...
- Tập thể dục đều đặn để duy trì tư duy vì thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho não.
- Nên có chế độ dinh dưỡng, thực phẩm, dưỡng chất sinh học đa dạng, giàu chất sắt, đạm và các nguyên tố vi lượng cần thiết nhằm ngăn chặn sự thoái hóa và hư hại của tế bào não, bảo vệ các nơ-ron thần kinh...
Ths. BS Hoàng Khánh Toàn
(Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)
|