Đối với người bệnh tăng huyết áp có thể được điều trị tại nhà, điều quan trọng nhất là làm sao giữ huyết áp ở mức ổn định và theo dõi hết sức chặt chẽ tình trạng của người bệnh. Bởi, bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nhưng gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các cơ quan nội tạng, đặc biệt là tim mạch, não, thận, phổi, mắt, mạch ngoại vi,... hậu quả là làm cho người bệnh liệt nửa người, thiếu máu cơ tim, hôn mê thực vật, trụy tim,... nặng hơn sẽ dẫn đến tử vong. Đa số các trường hợp tăng huyết áp không có nguyên nhân rõ ràng; vì vậy, người bệnh cần phải hết sức chủ động trong việc tìm ra nguyên nhân cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị an toàn, đặc biệt lưu ý với những người có kèm mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu, hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận,... thì cần hết sức thận trọng vì biến chứng có thể xảy ra.
Sau đây là những điều cần quan tâm khi gia đình có người mắc bệnh tăng huyết áp:
Người nhà cần dặn người bệnh uống thuốc đúng giờ và đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngưng hay đổi thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ, vì đây là căn bệnh phải điều trị lâu dài. Nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà để đo huyết áp cho người bệnh mỗi ngày 2 lần. Trước khi đo huyết áp phải tuyệt đối nghỉ ngơi 15 phút và ghi vào sổ theo dõi huyết áp để bác sĩ có thể chẩn đoán đúng hơn. Khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi, tránh lao động trí óc căng thẳng, lo lắng quá độ. Động viên, trấn an tinh thần người bệnh an tâm điều trị. Tránh các yếu tố kích thích về tinh thần cho người bệnh. Người bệnh không nên thức khuya để hạn chế tình trạng bệnh nặng hơn.
Về chế độ ăn uống, người bệnh nên ăn nhạt, giảm muối (dưới 6g muối/ngày), giảm mỡ, giảm đường (nếu có tiểu đường), hạn chế rượu, bia. Nên ăn nhiều rau quả như: Cần tây, cải cúc, rau muống, măng, cà chua, cà rốt, các loại nấm... Ăn nhiều các loại trái cây như: Chuối, cam, bưởi, quýt, táo,... Ngoài ra, người bị bệnh tăng huyết áp cũng không nên ăn nhiều dầu động vật, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, các loại thức ăn nhanh, các loại thịt đỏ,…
Tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của mỗi người và tuân thủ theo lời khuyên từ bác sĩ mà có phương pháp luyện tập cũng như rèn luyện đạt hiệu quả tốt cho sức khỏe người bệnh như đi bộ, tập dưỡng sinh...
Nếu người bệnh có những dấu hiệu đột ngột xảy ra như: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, bốc hỏa... người bệnh cần nằm tại chỗ, đo lại huyết áp, không di chuyển người bệnh vội vã vì có thể gây tai biến mạch máu não.
Gọi bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu nguy hiểm như: Đau đầu dữ dội, kéo dài hoặc đau như bị đập mạnh; cảm giác trống ngực hoặc tim đập nhanh; chóng mặt; phù mặt hoặc bọng quanh mắt; tay phù nhiều hơn bình thường, phù quá mức hoặc phù đột ngột ở bàn chân hoặc mắt cá chân…