Trong quan niệm của người phương Đông thì bát hương trên bàn thờ là vật thiêng liêng dành cho việc thờ cúng trong mỗi gia đình. Ban thờ là nơi con cháu hướng về Phật pháp, các vị thần linh và tổ tiên để cầu mong sự an khang thịnh vượng cũng như tỏ lòng hiếu thuận. Mỗi khi thành kính thắp một nén hương lên ban thờ là gia chủ đang gửi những nguyện cầu vào cõi tâm linh và khi thần linh, gia tiên trở về chứng giám thì bát hương giống như căn nhà vô hình để họ ngự trị.
Việc cầu cúng quan trọng nhất ở cái Tâm
Nhiều gia đình thời hiện đại cho rằng bát hương chỉ là nơi cắm hương vào sau mỗi lần khấn vái, quan trọng nhất là phải có tấm lòng hướng đến các bậc thần linh và gia tiên tiền bối. Tuy nhiên theo quan niệm của cổ nhân, việc chăm sóc bát hương trên bàn thờ đúng cách sẽ tăng thêm sự “ độ chứng” của gia tiên với gia chủ.
Người xưa quan niệm rằng bát hương là vật linh tiếng nhất trên bàn thờ của mỗi gia đình, là biểu hiện của cõi tâm linh. Mỗi khi gia chủ thắp một nén hương thơm rồi cung kính cắm lên bát hương, cũng là lúc sợi dây vô hình giữa cõi tâm linh và cõi dương được thiết lập. Thần linh, gia tiên tiền tổ sẽ về ngự trị trên mỗi bát hương. Vì thế nếu bát hương uế tạp hoặc có những sự không hợp lẽ, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến gia chủ.
Theo cổ nhân, việc thờ cúng có thể chia làm 3 cấp bậc. Quan trọng nhất là thờ Phật để cầu mong sự bình an thanh thản đến với gia chủ, giải thoát tai ương hướng về cõi Niết bàn. Tiếp đó là thờ Thần, gồm nhiều vị như thờ thổ công, long mạch, thần tài, thần lộc, tiền chủ hậu chủ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ổn. Sau cùng là thờ gia tiên tiền tổ là những người đã khuất trong dòng họ nhà mình, mong được tiền nhân phù hộ, độ trì trên mọi bước đường của cuộc sống. Như thế để trọn vẹn việc thờ phụng, gia chủ phải có ít nhất hai ban thờ. Ban thờ Phật có một bát hương. Ban thờ còn lại có thể thờ chung Thần và gia tiên nhưng lại phải có 3 bát hương. Bởi vì ngoài thần linh và gia tiên thì bắt buộc phải có bát hương thờ riêng Bà cô Tổ, là người đại diện giữa Thần linh và gia tiên của mỗi gia đình.
Nhưng cổ nhân cũng cho rằng các “ thế lực ở cõi tâm linh” đều là những bậc sáng suốt công bằng vô tư, không biết ăn hối lộ của vật chất thế gian do người trần dâng cúng. Như quan niệm của nhà Phật về luật Nhân Quả là luật thiêng liêng của Trời Đất: Sự giàu có, thăng tiến không phải là do van xin, mà là do phúc đức từ kiếp trước, do tu dưỡng hiện thân; việc thờ cúng, cầu khấn chỉ có tác dụng phù trợ, thúc đẩy thêm cốt nhất ở tâm thành. Còn nếu kiếp trước gây nhiều việc ác, kiếp này làm làm nhiều việc xấu, tâm địa ác độc thì dù có lạy cầu siêng năng đến đâu cũng đừng mong cõi tâm linh độ chứng.
Đặt bát hương thế nào cho đúng cách?
Đặt bát hương trên bàn thờ phải tuân theo một nguyên tắc nhất định, bất di bất dịch. Cổ nhân cho rằng, bát hương phải có sự phân chia riêng cấp bậc: Bậc cao nhất là Phật tổ, thấp hơn một chút là các vị Thần linh và cuối cùng là gia tiên tiền tổ.
Bát hương -" Ngôi nhà vô hình" của gia tiên trong mỗi gia đình . Nguồn ảnh: internet
Trong phong tục thờ cúng, thông dụng nhất thì ban thờ Phật có riêng một bát hương. Bát hương này khồn cần to hơn nhưng bắt buộc phải cao hơn các bát hương khác. Trên bàn thờ thần linh thường có 3 bát hương, khi đứng ở vị trí cúng lễ nhìn lên bát hương dành cho Bà cô Tổ ở bên trái, thần linh chúa đất ở chính giữa và gia tiên nằm bên phải. Nhiều quan niệm cho rằng trong 3 bát hương này thì bát hương dành cho Thần linh bao giờ cũng to hơn và đặt cao hơn một chút so với 2 bát hương còn lại.
Phong tục bốc bát hương
Theo quan niệm cổ nhân, chỉ những bậc tu hành như nhà sư hoặc những người tu tại gia mới có đủ sự thanh tịnh để bốc bát hương. Họ cũng là người có thể đọc kinh, niệm phật, chú nguyện để thỉnh thần linh và gia tiên của gia chủ về an nhập nơi bát hương.
Bát hương là vật vô tri, cho dù làm bằng sứ hay bằng đồng, chỉ sau khi được các nhà sư thực hiện thủ tục “Bốc bát hương” thì mới có tác dụng làm vật linh thiêng trên bàn thờ khi cúng lễ. Người xưa quy định cách thức bốc bát hương như sau:
- Đầu tiên khi mua một bát hương về thì phải rửa qua nước muối, rượu gừng có pha chút nước hoa hay thả vào mấy cánh hoa hồng. Nước đã rửa bát hương phải đổ ra trước sân hay vẩy xung quanh nhà, không được đổ xuống cống.
- Lót ở đáy bát hương một mảnh giấy trang kim vàng vừa để lót sạch sẽ lại vừa phòng các đồ yểm trong bát không bị cháy.
- Đồ yểm trong bát hương được gọi là “cốt” của bát hương, thường tượng trưng cho nhiều thứ báu vật như vàng, bạc, ngọc, mã não, san hô, tiền,
- Phần tro trong bát hương dùng để cắm hương là tro rơm nếp hoặc vỏ trấu. Hiện nay, loại tro này thường bán ở các cửa hàng vàng mã. Cổ nhân cho rằng, dùng tro bằng vỏ trấu rất tốt vì nó tượng trưng cho “hạt ngọc” của trời, thanh sạch và cao quý.
- Ở công đoạn cuối cùng, các nhà sư sẽ đọc kinh hay chú Mật Tông của nhà Phật để đặt yên vị bát hương. Khi đọc kinh lần đầu, người bốc bát hương cắm cây chữ Thọ bằng đồng để thắp hương vòng. Lúc đặt bát hương cần phải căn chỉnh chính xác, ngay ngắn sao cho mặt nguyệt nằm trên trục vuông góc với bàn thờ và các bát hương cần ở vị trí chính giữa so với 2 cạnh bên bàn thờ.
Người xưa cho rằng, chỉ khi hoàn thành các công đoạn này thì bát hương mới chính thức được đưa vào sử dụng làm vật thờ cúng và mới có đủ “ linh ứng” để thần linh, gia tiên về độ chứng.
Một số quan niêm về “ Căn nhà gia tiên”
Khi bát hương đã bốc xong, gia chủ phải dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, không nên để uế tạp. Trong cả một năm tiến hành việc cũng lễ với nhiều ngày giỗ chạp,kỵ nhật, gia chủ phải cần thiết dọn dẹp sạch sẽ, sắp xếp để ban thờ luôn gọn gang. Tuyệt đối không được xê dịch bát hương, bài vị đã được yên vị từ trước. Bởi người xưa quan niệm rằng nếu dịch chuyển bát hương, thần linh, gia tiên sẽ bị kinh động, không tốt cho gia chủ.
Khi trong bát hương, chân hương đã quá nhiều thì cũng cần được lọc bớt, việc này thường được tiến hành vào dịp cuối năm nhưng tuyệt đối không được rút hết chân hương. Người xưa cho rằng cần phải lọc lại ở mỗi bát hương 12 chân hương. Tiếp đó, gia chủ cắm trở lại bát hương 3 chân hương một lượt, chia làm 4 đợt. Cắm 3 chân hương lượt đầu tiên, gia chủ khấn “ Niên niên thị hảo niên” – cả năm đều gặp việc tốt. Đợt cắm tiếp theo khấn “ Nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt” – mỗi tháng đều gặp việc tốt. Tiếp đó khấn “ Nhật nhật thị hảo nhật” – mỗi ngày đều gặp việc tốt. Đợt cắm cuối cùng khấn “ Thời thời thị hảo thời” – giờ phút nào cũng tốt. Cứ thế lặp lại công việc này ở mỗi bát hương. Số chân hương loại ra sau đó phải được hóa chứ không được vứt đi.
Mỗi khi cúng lễ, gia chủ cần mở rộng cửa, đầu tiên là phải thắp đèn giống như việc báo trước. Tiếp đó bày lễ vật, rót nước, rót rượu rồi mới thắp hương lên bát hương. Cổ nhân cũng quy định rằng khi thắp phải để hương cháy đê rồi phấy nhẹ cho tắt lửa chứ tuyệt đối không dùng miệng để thổi. Khi cắm hương vào bát phải ngay ngắn không để xiêu vẹo. Như thế mới có tác dụng thỉnh cầu.
Nhiều trường hợp bát hương tự nhiên bốc cháy, người xưa cho rằng đều là có điềm báo. Nếu châm hương ủ lửa âm ỉ từ trong rồi cháy ra xung quanh thì gọi là “điềm âm”, thường liên quan đến mồ mả, thờ cúng. Nếu bát hương cháy từ trên xuống, lửa bốc to thì gọi là “ điềm dương”, có liên quan đến nhà cửa, cuộc sống hàng ngày của gia chủ. Khi có hiện tượng cháy bát hương cần đề phòng hỏa hoạn.
Khi phong tục tập quán cúng lễ vẫn luôn là một nét đẹp trong văn hóa phương Đông, thể hiện sự uống nước nhớ nguồn, thành kính với các bậc tiền nhân thì tục bốc bát hương cũng trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình trong việc lập ban thờ. Thế nhưng lợi dụng lòng kính ngưỡng của gia chủ, không ít đối tượng hành nghề mê tín dị đoan chớp thời cơ để kiếm tiền bất chính, vẽ ra đủ thứ lễ lạt, bùa chú cần phải có để yểm bát hương, thực chất là việc moi tiền từ hầu bao của gia chủ. Một lần nữa cần phải khẳng định, theo quan niệm của cổ nhân, chỉ những nhà tu hành ở các chùa chiền, đại diện cho Phật pháp mới có đủ đạo hạnh, phẩm chất, sự thanh tịnh để bốc bát hương. Với những tài liệu sưu tầm này, chúng tôi hi vọng rằng, các bạn sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân để việc cúng lễ thần linh và gia tiên vừa đúng phong tục lại hợp lẽ thường.
|